Pages

Subscribe:

Ads 468x60px

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

CHỨC TƯ TẾ TRONG BÍ TÍCH THANH TẨY VÀ BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC


(tiếp theo kỳ trước)
Bart Khánh

I.                   Chức tư tế trong Bí tích Thanh Tẩy
Khi lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy, chúng ta được trở nên một thụ tạo mới, được sáp nhập vào thân thể Chúa Kitô như cành với thân nho. Ngoài ra còn được những ân sủng của Chúa ban cho là được sạch mọi tội lỗi, được Chúa ban ơn đức tin và những ơn cần thiết để sống vai trò làm con Thiên Chúa. Từ đó trở thành những dấu chỉ ơn cứu độ, nên không chỉ có hàng giáo sĩ, nhưng toàn thể cộng đồng tín hữu cũng hợp thành dấu chỉ đó. Hoạt động của mọi Kitô hữu đều mang tính Giáo hội mặc dầu tính Bí tích của giáo sĩ và giáo dân là khác nhau. Giáo sĩ có chức tư tế thừa tác nhờ dấu ấn tư tế. Còn giáo dân có chức tư tế cộng đồng nhờ dấu ấn của Bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức. Nhưng quan trọng là được tháp nhập vào chính thân thể Chúa Kitô là một niềm vinh dự to lơn của một thân xác phải chết của con người.
1.      Tham dự vào nhiệm thể Chúa Kitô
Bí tích Thanh Tẩy làm cho chúng ta trở thành chi thể trong thân thể Chúa Kitô và là phần thân thể của nhau (GLCG 1267). Từ đây, người ta khám phá ra mầu nhiệm hiệp thông trong Giáo hội từ mầu nhiệm thân thể Chúa Kitô mà không phải do sự lựa chọn của con người. Thánh Phaolô quảng diễn như thân thể của một con người có đầu mình và tứ chi. Khi chi thể hành động sẽ theo sự điều khiển của cái đầu. Đầu ở đây được ví như Chúa Kitô và thân thể chính là Hội thánh.
Như vậy, một khi đã trở nên chi thể trong thân thể của Hội thánh, mỗi người Kitô hữu sẽ thấy vai trò và tầm quan trọng của mình. Cho nên người Kitô hữu sẽ biết được và tôn trọng những chi thể khác trong thân thể của Hội thánh. Và cùng với mọi người làm cho Hội thánh của Chúa Kitô được triển nở mạnh mẽ trong trần thế này. Vì vậy, khi tham dự vào cử hành phụng vụ các chi thể thi hành chức tư tế phổ quát của toàn dân Thiên Chúa, chức năng này phát xuất từ Chúa Kitô và con người chỉ có thể thi hành chức năng này do lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy: “Nhờ Bí tích Thanh Tẩy, người tín hữu tham dự vào chức tư tế của Chúa Kitô vào sứ mạng tiên tri và vương đế của Người.” (GLCG 1268).[1]

1.1. Nghĩa tử của Thiên Chúa
Khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy thụ nhân trở nên chi thể trong Thân Thể Chúa Kitô; bởi thế, tín hữu là phần thân thể của nhau. Bí tích Thánh Tẩy giúp ta tháp nhập vào Hội thánh. Người đã được Rửa tội trở thành phần tử của Hội thánh. Chúng ta không còn thuộc về mình nữa, nhưng thuộc về Đấng đã chết và sống lại vì mình. Bí tích này trao cho người lãnh nhận những trách nhiệm và bổn phận, đồng thời cũng trao cho họ những quyền lợi trong Hội thánh.[2]
Một khía cạnh nữa mà chúng ta cần hiểu đó là cùng chết và cùng sống lại với Đức Kitô trong Bí tích Thánh Tẩy như thế nào? Trong thư Roma 6,1-11 nói đến vấn đề hiệu năng của Bí tích Thánh Tẩy. Trong cái nhìn gây nhiều tranh cãi là liên hệ giữa những công thức giải thích việc cùng chết và cùng sống lại với Chúa Kitô. Thánh Phaolô nêu ra hai điểm bắt đầu bằng đức tin, xác tín rằng Đức Giêsu Kitô đã đạt được ơn cứu độ cho nhân loại qua cuộc tử nạn và Phục Sinh của Người. Thứ đến là thực tại nghi thức Thánh Tẩy của Kitô giáo là Bí tích khai tâm, giúp con người được tham dự vào ơn cứu độ do chính Đức Kitô đạt được một lần dứt khoát. Hai điểm xuất phát này được thánh Phaolô nối kết lại theo cách đặc thù của ngài.
Thánh Phaolô xác tín một cách mạnh mẽ vào một sự hiện hữu mới của con người. Sự kiện Thánh Tẩy có nghĩa trước tiên là chết đi, và qua cái chết chúng ta thoát khỏi quyền lực của tội lỗi, có nghĩa là không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa, như thế là không được phép phạm tội nữa.
Đứng về mặt lịch sử cứu độ, cái chết của Đức Giêsu đòi buộc luôn luôn phải gắn bó với cuộc Phục Sinh; không có Phục Sinh, không thể nào hiểu đúng được cái chết của Chúa.
1.2. Tham dự vào mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô
Đức Kitô khởi đầu chức tư tế trong mầu nhiệm nhập thể và chỉ trở nên hoàn toàn trong mầu nhiệm Phục Sinh. Do đó, Bí tích Thánh Tẩy cũng làm cho người Kitô hữu được tham dự vào mầu nhiệm nhập thể của Đức Kitô, mà còn được hưởng sự sống vinh quang của Đức Kitô Phục Sinh. Như trong thư gởi tín hữu Roma 6, 3-4  mà thánh Phaolô trình bày:
Anh em không biết rằng chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta cũng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ vào quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.”
Bí tích Thánh Tẩy là hình ảnh cái chết của Đức Kitô và nói đúng theo ngôn ngữ Kinh Thánh, Thánh Tẩy “là cùng lớn lên trong hình dạng của cái chết của Đức Giêsu Kitô” và như cái chết này không thể hiểu được nếu không có sự Phục Sinh. Chính Bí tích Thánh Tẩy cũng là hình ảnh của sự Phục Sinh. Ai tự nguyện lãnh Bí tích Thánh Tẩy sẽ thông phần vào cái chết và cả cuộc Phục Sinh của Đức Kitô, có nghĩa là thông phần vào hiệu quả hành động cứu độ của Đức Giêsu đã được hoàn tất trong cái chết và Phục Sinh của Người.
Bí tích Thánh Tẩy đưa người tín hữu từ cõi chết bước vào một cuộc sống mới. Khi người tín hữu được tham dự trọn vẹn vào mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô thì cũng chính là người tín hữu đã được tham dự một cách đầy đủ chức tư tế của Người.
2.        Sứ vụ tư tế của người Kitô hữu
Mọi Kitô hữu được trở thành tư tế do phép rửa và vì thế họ (giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân) đều bình đẳng với nhau do được tham dự vào chức tư tế của Chúa Giêsu Kitô, là phẩm giá cao nhất của mọi Kitô hữu. Không có một chức tư tế nào khác trong Giáo Hội cao trọng hơn chức tư tế này.
Theo lược đồ này thì Giáo hội gồm thành phần đại đa số giáo dân và một phần thiểu số gồm linh mục, giám mục, giáo hoàng, mà mỗi thành phần đều mang một sứ vụ chuyên biệt - tuỳ hoàn cảnh, nhưng tất cả các sứ vụ đó đều nhắm vào lợi ích cho toàn Giáo hội. Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. (1Cr 12:4-7)
Khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy người Kitô hữu được tham dự vào nhiệm thể Chúa Kitô. Cùng lúc đó sẽ lãnh nhận quyền và nghĩa vụ của một thành viên trong gia đình Giáo hội. Đó là được lãnh nhận ba chức vụ ngôn sứ, tư tế và vương đế.
Công Đồng Vaticanô II là công đồng đầu tiên duy nhất từ trước đến nay bàn thảo sâu rộng về giáo dân và về Giáo hội học về giáo dân. Tài liệu làm nền tảng cho mọi tài liệu khác của Công Đồng chính là Hiến Chế Tín Lý về Giáo hội, trong đó dành 2 trong 4 chương đầu để bàn về thần học và Giáo hội học về giáo dân.
Trong Hiến chế này, Công Đồng đã nói về bản tính và sứ mệnh của người giáo dân dựa trên ba chức vụ mà họ có do phép rửa và sự nhập hiệp của họ vào thân thể của Chúa Kitô như sau:
"Danh hiệu giáo dân ở đây được hiểu là tất cả những Kitô hữu không có chức thánh hoặc bậc tu trì đựợc Giáo hội công nhận; nghĩa là những Kitô hữu đã được nhập hiệp vào Thân Thể Chúa Kitô nhờ phép Rửa, đã trở nên Dân Thiên Chúa và tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ, và vương giả của Chúa Kitô theo cách thức của họ; họ là những người đang thực hiện sứ mệnh của toàn dân Kitô giáo trong Giáo hội và trên trần gian theo phận vụ riêng của mình". (LG 31)
Trong Sắc lệnh về Tông Đồ Giáo Dân, Công Đồng cũng đã xác định vì 3 sứ vụ ấy mà họ phải chu toàn phận sự của họ:
“Giáo dân, vì họ tham dự thực sự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô, nên họ chu toàn phần việc của mình trong sứ mệnh của toàn dân Thiên Chúa trong Giáo hội và ở giữa trân gian.” (AA, 2)
2.1. Đức Kitô tư tế là khởi nguồn và cùng đích cuộc sống của Kitô hữu
Đức Kitô với cương vị là vương đế nên chức tư tế của người Kitô hữu cũng phải hướng đến chức tư tế của Người. Đức Giêsu đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi trong máu của Người, và đó cũng là sự hiến thánh chúng ta. Cái chết của Người thiết lập lại mối tương quan giữa ta với Thiên Chúa.
Giáo hội thường nói đến Nước Chúa như một “vương quốc những tư tế,” vì thành phần trong Nước Chúa là phần thân thể của Đức Kitô, và Đức Kitô là “Linh mục Thượng Phẩm,” vì nếu Đức Kitô là Đầu và là Thượng Phẩm thì không lý gì mà các chi thể khác lại không được chức tư tế (LG, 10).
Sắc lệnh Tông Đồ Giáo dân nói rõ thêm:
“Người giáo dân được thánh hiến vào chức vụ tư tế vương giả và dân tộc thánh (Xem 1P 2, 2-10), hầu trong mọi việc của họ làm thành những lễ vật thiêng liêng và làm chứng cho Chúa Kitô ở mọi nơi trên hoàn cầu”(AA 3).
Người giáo dân tham gia vào chức vụ tư tế của Chúa Giêsu thế nào? Họ lấy gì làm vật hiến tế? Có thể nói bằng chính cuộc đời, toàn bộ cuộc đời với mọi hành động, suy nghĩ và dự phóng của mình. Đức Gioan Phaolô II giải thích:
“Bằng việc dâng hiến chính mình và các hoạt động của họ… những lời cầu nguyện cũng như các hoạt động tông đồ, đời sống hôn nhân, gia đình, những công việc lao động hằng ngày, các việc giải trí, tinh thần thể xác, nếu tất cả đều được hướng dẫn do Thần Linh Thiên Chúa, ngay cả những thử thách của cuộc đời, miễn là chịu đựng một cách nhẫn nại, tất cả trở thành của lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa Cha nhờ Đức Giêsu Kitô. Trong thánh lễ, các của lễ này hiệp với Mình Chúa được dâng lên cho Đức Chúa Cha với tâm hồn sốt sắng. Như thế người giáo dân thánh hiến cho Thiên Chúa chính cả trần thế này" (CL 14.)[3]
Người Kitô hữu có bổn phận và quyền làm tông đồ do chính việc kết hợp với Chúa Kitô là đầu. Họ được chính Chúa chỉ định làm việc tông đồ, vì phép Rửa Tội mọi người được tháp nhập vào nhiệm thể Chúa Kitô, Phép Thêm Sức làm cho mạnh mẽ nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần. Nên có thể nói người Kitô hữu sẽ khởi sự và hoàn tất cuộc đời của mình trong Chúa Kitô đó cũng xem như là một hiến tế dâng lên Thiên Chúa.
Qua cử hành phụng vụ là việc thi hành chức tư tế của Đức Kitô, trong đó mang một chiều kích là thánh hóa con người.
2.2. Chức tư tế của người Kitô hữu qua cử hành phụng vụ
Còn anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa (1Pr 2,9). Là điều khẳng định là lời hứa của Thiên Chúa đã được thực hiện và để cho chương trình của Thiên Chúa được hoàn thành. Khi nhận thấy những hồng ân vô cùng lớn lao, mọi người có nhiệm vụ loan truyền như tiên tri Isaia đã nói: “Ngõ hầu anh em hãy loan truyền những kỳ công của Đấng đã gọi anh em từ tối tăm vào ánh sáng huyền diệu của Người”. Đó là vinh dự không do con người, nhưng hoàn toàn do lòng thương xót của Thiên Chúa, những kẻ xưa không được thương xót, mà nay đã được xót thương (1Pr 2,10).[4]
Giáo hội đã xác định trọng tâm của phụng vụ chính là tác động tư tế của Đức Kitô, được thể hiện qua nhiệm thể Giáo hội của Người. Đây là tác động có giá trị và vượt trên mọi sinh hoạt khác của Giáo hội, vì phụng vụ là việc làm tưởng nhớ và liên hệ sâu xa với Thiên Chúa Ba Ngôi. Chữ Phụng vụ theo nguồn gốc được hiểu là một việc làm công khai hay một việc làm nhân danh dân  hay thay cho dân. Theo truyền thống Kitô giáo, chữ phụng vụ có nghĩa là việc dân Chúa được tham dự vào công trình của Thiên Chúa (X. Ga 17,4). “Qua phụng vụ, Đức Kitô, Đấng cứu chuộc và là vị Thượng Tế của dân Người, tiếp tục cứu độ chúng ta nơi Giáo hội, với Giáo hội và nhờ Giáo hội của Người”.[5]
Vì phụng vụ diễn tả mầu nhiệm Đức Kitô và mầu nhiệm Hội thánh, nên trong phụng vụ có các nhiệm vụ khác nhau người đóng vai trò chủ tọa, kẻ khác là thừa tác viên. Mỗi người thi hành nhiệm vụ của mình, nhưng tất cả nhằm biểu lộ mầu nhiệm Thân Thể Đức Kitô (PV 10,14). Do đó để một hành vi gọi là phụng vụ cần phải hội đủ ba tiêu chuẩn sau đây: được cử hành nhân danh Giáo hội, bởi những người do Hội thánh ủy nhiệm cách hợp pháp và chu toàn đúng đắn các nghi thức đã được thẩm quyền Hội thánh phê chuẩn (GL 834).[6]
Người Kitô hữu khi thi hành chức tư tế phổ quát là khi tham dự vào việc cử hành phụng vụ của Hội thánh, nhằm mục đích là tôn vinh và thờ phượng Thiên Chúa, nên cần phải tránh những thái độ chỉ nhân danh cá nhân, gây chia rẽ. Nhưng là phải tâm đầu hiệp ý với mọi thành phần dân Chúa để cùng nhau cử hành phụng vụ.
(Còn tiếp)


[1]Lm Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ, Tìm Hiểu Các Bi Tích Công Giáo, Đại chủng viện Giuse, Xb Tp HCM 2002, tr.112.
[2]Giuse Phạm Quốc Văn OP, Từ cạnh sườn bị đâm thâu, Học viện Đa Minh 2010, tr.59.
[4]Gm Phaolô Bùi Văn Đọc, Linh Mục là ai?, Nxb Tôn giáo 2009, tr.44
[5]Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1069
[6]Lm Vinh Sơn Nguyễn Thế Thủ, Tuyển Tập Những Quy Luật Căn Bản Khi Cử Hành Phụng Vụ, Tp HCM, 2004, tr.8

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
BACK TO TOP